A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiết học đáng nhớ

 

Năm ấy, tôi là một giáo viên mới về trường, đúng vào dịp Sở GD&ĐT kiểm tra công tác dạy và học của nhà trường. Cũng như các thầy cô giáo khác, tôi chuẩn bị chu đáo để sẵn sàng đón đoàn kiểm tra.

Đêm đó, sau khi tập dượt lại các tiết học lần cuối, tôi thấy tâm đắc nhất là tiết Luyện từ và câu “Mở rộng vốn từ: Hạnh phúc”- đây là tiết dạy hay và đầy ý nghĩa. Lên giường đi ngủ, tôi vẫn thầm nhẩm lại một lần nữa các bước, các thao tác, các câu hỏi, các phương án trả lời.

Sáng hôm sau, tôi đến trường với tinh thần thoải mái. Hôm đó, như có kịch bản dựng sẵn, tôi được nhà trường thông báo chuẩn bị dự giờ tiết Luyện từ và câu “Mở rộng vốn từ: Hạnh phúc” . Như “mở cờ trong bụng”, tôi hoàn toàn yên tâm với sự chuẩn bị hết sức kĩ lưỡng của mình. Tiết học bắt đầu, tôi bước lên bục giảng với sự tự tin pha chút “kiêu hãnh ngầm” vì tiết dạy chắc sẽ thành công tốt đẹp.

Sau phần khởi động, tôi tự tin vào bài giảng. Tiết học diễn ra rất sôi nổi. Các em hoạt động rất tự giác, tích cực, chủ động hợp tác nên trong chốc lát đã hoàn thành “Bài tập 1: Chọn ý thích hợp nhất để giải nghĩa từ hạnh phúc”. Thật phấn khởi, các em chọn được ý đúng “b- Trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện”. Không những thế, các em còn tìm nhiều ví dụ và đặt được nhiều câu hay ngoài sự mọng chờ của tôi. Tôi phấn chấn chuyển qua “Bài tập 2: Tìm từ đồng nghĩa và trái nghĩa với từ hạnh phúc”. Tôi theo dõi các nhóm thảo luận một cách chiếu lệ, qua loa rồi gọi đại diện nhóm trình bày. Một học sinh đứng lên: “Thưa cô, em xin thay mặt nhóm trình bày kết quả thảo luận ạ:

- Đồng nghĩa với hạnh phúc: sung sướng, vui sướng, mãn nguyện, toại nguyện, vui mừng,…

- Trái nghĩa với hạnh phúc: bất hạnh, sầu thảm, đau buồn, đau khổ, ly thân, ly dị,…”

Học sinh trả lời xong, tôi hỏi: “Ai đồng ý với kết quả mà bạn vừa trình bày?”. Gần như cả lớp đều đưa tay. Quá tin vào học sinh, chẳng cần nhìn vào kết quả, tôi nói: “Cô cũng đồng ý với các em”. Vừa dứt lời, bất chợt nhìn thấy ánh mắt của các thầy cô không vui, chột dạ, tôi liếc mắt nhìn lại bài làm của học sinh. Trời ơi! Có hai từ ở đâu lọt vào! Trái nghĩa với hạnh phúc:.,ly thân, ly dị,..Tự nhiên tôi hết sức lúng túng - mặt đỏ bừng lên. Song chỉ vài giây sau đó, tôi mỉm cuoif và nhẹ nhàng nói: “Các em tìm đúng các từ đồng nghĩa với hạnh phúc, hãy xem lại trong các từ trái nghĩa với hạnh phúc có từ nào chưa đúng?”. Không có cánh tay nào giơ lên, tôi lại tiếp tục: “Các em hãy mở từ điển tra lại nghĩa của từ “ly dị”, “ly thân”. Một lúc sau, hàng loạt cánh tay giơ cao, hào hứng: “Em thưa cô “ly dị” và “ly thân” là hai động từ - là những hoạt động dẫn tới sự đau buồn, sự đau khổ, sự bất hạnh nên đó không phải là từ trái nghĩa với hạnh phúc ạ!”. Tôi cảm ơn em rồi kết luận: “Các em cần cẩn thận hơn khi tìm từ. Những từ nào còn băn khoăn nên tra từ điển để tránh nhầm lẫn đáng tiếc nhé!” Thấy các thầy cô tủm tỉm cười, tôi cũng “cười theo” và thầm nhắc: “Đúng là bài học nhớ đời”. Tình huống được xử lý kịp thời, tôi lấy lại tự tin và tiếp tục bài giảng…Dù bài giảng vẫn hoàn thành nhưng tôi cần phải rút kinh nghiệm cho bản thân “Không nên quá tự tin dẫn đến chủ quan trong dạy học”

Giờ đây khi được tiếp cận với phương pháp dạy học theo mô hình trường học mới, tôi mới thấm thía việc cần làm của mình trong mỗi tiết dạy. Giá như được tiếp cận phương pháp này sớm hơn thì điều đáng tiếc kia sẽ không xảy ra”.

Tiết học đáng nhớ đó là một kỉ niệm khó quên trong nghề dạy học của mình.

 

Người viết

Trần Thị Thanh Loan-TH số 1 Nam Lý

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết